Đâu là biểu đồ tốt nhất để giao dịch Forex?

0 comment 45 lượt xem

thitruongdautu.net – Trong bất kỳ một hoạt động giao dịch nào, biểu đồ giá luôn là một phần không thể thiếu trên thị trường tài chính vì nó mang đến cái nhìn tổng quát về thị trường và giúp nhà giao dịch dự đoán được xu hướng tiếp theo. Mỗi loại biểu đồ đều có những đặc điểm và ý nghĩa khác nhau, được sử dụng trong tùy hoàn cảnh và phong cách giao dịch của mỗi trader. Chính vì thế, khó có thể nói rằng biểu đồ nào là tốt nhất, mà chỉ có thể nói mỗi nhà giao dịch cần phải học hỏi để sử dụng biểu đồ sao cho hiệu quả và phát huy hết tiềm năng của nó.

Đâu là biểu đồ tốt nhất để giao dịch Forex?

Nhiều nhà đầu tư khi mới bắt đầu thực hiện giao dịch với các biểu đồ giá đều khá lo lắng khi không biết được đâu là loại biểu đồ tốt nhất và cảm thấy bị rối trước nhiều loại biểu đồ. Chúng ta có các loại biểu đồ đường, biểu đồ thanh, biểu đồ nến Nhật, biểu đồ Point and Figure cũng với các loại biểu đồ đặc trưng như Renko và Heiken Ashi. Việc lựa chọn giữa các loại biểu đồ này khi chưa thực sự hiểu rõ về chúng là một điều khá khó khăn.

Về mặt thực tế, có nhiều nhà giao dịch không quá quan tâm đến các loại biểu đồ, họ mặc định sử dụng biểu đồ nến Nhật vì sự phổ biến đến mức hiển nhiên của nó. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà giao dịch khác lại thích tìm hiểu về tất cả các loại biểu đồ và tự hỏi: đâu là biểu đồ tốt nhất để giao dịch.

Mặc dù có những loại biểu đồ phổ biến hơn, được nhiều trader sử dụng hơn các biểu đồ khác, tuy nhiên cũng rất khó để đánh giá rằng liệu chúng có thực sự tốt hơn. Có lẽ câu trả lời khách quan và hợp lý nhất lại chính là không có biểu đồ nào có thể coi là tốt nhất cả.

Mỗi biểu đồ đểu có những đặc điểm riêng và thế mạnh riêng. Nó sẽ trở thành biểu đồ tốt nhất nếu được đặt đúng trong hoàn cảnh thích hợp. Ngược lại, trong những hoàn cảnh khác nó sẽ không tốt bằng các loại biểu đồ khác…

Vậy, thay vì đi tìm đâu là biểu đồ tốt nhất, thì các trader hãy tìm hiểu cách để sử dụng các loại biểu đồ tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất.

Tham khảo:

Biểu đồ đường

Được xây dựng từ việc nối các mức giá đóng cửa của tất cả các phiên giao dịch trong một khung thời gian nhất định, biểu đồ đường là loại biểu đồ đơn giản nhất trong các loại biểu đồ giá trên thị trường ngoại hối.

Về lý thuyết, mức giá được sử dụng trong biểu đồ đường có thể là bất kỳ loại giá nào, như giá mở cửa, giá thấp nhất hay giá cao nhất của một phiên giao dịch. Tuy nhiên, mức giá thường được sử dụng là giá đóng cửa vì mức giá này được xem là quan trọng nhất, thể hiện rõ ràng phe nào đang nắm giữ vị thế áp đảo trên thị trường.

Với biểu đồ đường, chúng ta sẽ xác định hướng di chuyển của giá trong một phiên giao dịch thông qua độ dốc của đoạn thẳng nối giá đóng cửa của 2 phiên liên tiếp nhau. Nếu đoạn thẳng dốc lên thì giá tăng, và ngược lại, dốc xuống thì giá giảm. Độ dốc càng lớn thì giá tăng/giảm càng mạnh.

Biểu đồ đường

Đơn giản, dễ nhìn và không bị rối mắt là một trong những ưu điểm lớn nhất của biểu đồ đường, nhưng đôi khi điểm đơn giản này cũng chính là hạn chế.

Biểu đồ đường chỉ thể hiện giá tăng hay giảm trong một phiên giao dịch, mà không thể hiện giá đã biến động ở các mức nào hay thị trường của bên mua và bên bán đã đấu tranh ra sao. Hay nói cách khác, biểu đồ đường chỉ thể hiện kết quả của một cuộc giao dịch.

Với đặc điểm trên, biểu đồ tốt nhất trong việc xác định các mức hỗ trợ và kháng cự chính là biểu đồ đường. Các trader nên tập làm quen với loại biểu đồ này và sẽ nhanh chóng nhận ra được ưu điểm vượt trội của nó.

Biểu đồ Renko và biểu đồ Heiken Ashi

Cả hai loại biểu đồ này đều có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, Heiken Ashi có nghĩa là thanh trung bình, còn Renko có nghĩa là viên gạch. Tên của hai loại biểu đồ này đã thể hiện được đặc điểm nổi bật của chúng.

Cụ thể, biểu đồ Heiken Ashi gồm các cây nến có hình thức tương đối giống với nến Nhật truyền thống, nhưng được tính toán bởi các phép tính trung bình dựa theo giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất trong phiên trước đó.

Biểu đồ Renko và biểu đồ Heiken Ashi

Các cây nến Heiken Ashi sẽ giúp biểu đồ của nhà giao dịch trông mượt mà hơn rất nhiều so với biểu đồ nến Nhật, từ đó giúp nhận biết xu hướng một cách dễ dàng.

Với việc hình thành cây nến mới dựa vào cây nến trước đó, biểu đồ Heiken Ashi giúp nhà giao dịch nhìn thấy xu hướng trông rõ rệt hơn do loại bỏ được những cây nến ngược hướng so với xu hướng đang diễn ra, khiến cho các cây nến chủ yếu là cùng có một màu khi đang cùng xu hướng.

Xác định xu hướng là vai trò nổi bật nhất của Heiken Ashi, chính vì thế mà nó được coi là một trong những biểu đồ tốt nhất dùng để xác định xu hướng một cách chính xác và dễ dàng.

Đối với biểu đồ Renko, các cây nến khá đặc biệt khi chỉ hình thành dựa trên giá cả chứ không quan tâm đến vấn đề thời gian. Nhà giao dịch có thể chọn một kích thước cố định cho từng cây nến dựa theo đơn vị giá, ví dụ 10pip cho một cây nến. Khi đó, cứ mỗi khi giá di chuyển được 10pip thì một cây nến mới được hình thành, không cần biết mất bao nhiêu thời gian.

Biểu đồ Renko và biểu đồ Heiken Ashi

Cụ thể hơn, cứ mỗi khi giá tăng quá 10pip so với thân nến hiện tại, một cây nến, hay còn gọi là một viên gạch màu xanh sẽ được hình thành. Ngược lại, nếu giá giảm quá 10pip so với thân nến hiện tại thì một viên gạch đỏ xuất hiện. Các viên gạch này có kích thước đều nhau được xếp chồng lên nhau theo một góc khoảng 45 độ, tạo nên một biểu đồ vô cùng gọn gàng và đẹp mắt.

Nhà giao dịch sẽ dễ dàng xác định được xu hướng hiện tại của thị trường dựa vào màu sắc của các cây nến nối tiếp nhau dựa vào biểu đồ Renko. Biểu đồ này không có tín hiệu nhiễu nên xu hướng được hiển thị rất trực quan và rõ ràng.

Biểu đồ Renko cũng là một trong những biểu đồ tốt nhất dùng để xác định xu hướng cùng với biểu đồ Heiken Ashi. Nhà giao dịch có thể lựa chọn một trong hai loại biểu đồ này để việc nhận biết xu hướng trở lên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Biểu đồ Point and Figure 

Có nguyên lý hình thành khá giống với biểu đồ Renko khi bỏ qua yếu tố thời gian, đồng thời mỗi điểm mới được hình thành khi giá di chuyển được một số đơn vị nhất định.

Biểu đồ điểm và hình có nhiều cách thể hiện bằng những hình vẽ khác nhau, tuy nhiên cách dễ nhất và tiện theo dõi nhất là đánh dấu một lần tăng giá bắng dấu X và một lần giảm giá được đánh dấu bằng chữ O.

Giả sử nhà giao dịch chọn đơn vị giá là 10pip, thì cứ 1 chữ X thể hiện giá tăng 10pip và chữ O cho biết rằng giá đã giảm 10pip.

Tuy nhiên, nếu như biểu đồ Renko vẽ các viên gạch mới lệch sang 1 cột so với gạch cũ thị biểu đồ điểm và hình lại vẽ chúng chồng lên nhau. Chỉ khi nào có sự thay đổi hướng đi của giá thì biểu đồ mới được chuyển sang cột tiếp theo.

Ứng dụng nổi bật nhất của biểu đồ điểm và hình so với các biểu đồ khác chính là dùng để ước lượng mục tiêu.

Biểu đồ Point and Figure 

Dựa vào hình trên, nhà giao dịch có thể thấy một biểu đồ điểm và hình với các đường xu hướng đóng vai trò như hỗ trợ và kháng cự. Do biểu đồ được chia làm các ô vuông nên có thể dựa vào các ô này để tính toán được mục tiêu mà giá có thể đạt đến theo một số công thức nhất định. Đây có lẽ là một tính năng vượt trội của biểu đồ điểm và hình mà ít có biểu đồ nào khác có thể làm được. Do đó, nếu nhà giao dịch muốn có một cách để ước lượng được mục tiêu giá thì Point and Figure chính là biểu đồ tốt nhất có thể lựa chọn.

Tham khảo thêm:

Kết luận

Nhìn chung, không thể chắc chắn đâu là loại biểu đồ tốt nhất trong giao dịch ngoại hối, bởi vì mỗi loại biểu đồ đều có vai trò và thế mạnh riêng. Bài viết trên đã giới thiệu đến bạn một số loại biểu đồ trong giao dịch ngoại hối, cũng như những đặc điểm và ứng dụng nổi bật của nó. Hy vọng rằng, thông qua bài viết này các bạn sẽ chọn được biểu đồ phù hợp với nhu cầu của mình và khai thác toàn bộ lợi thế của nó. Khi bạn sử dụng nó hiệu quả nhất thì đó chính là biểu đồ tốt nhất với bạn. Chúc bạn thành công.