thitruongdautu.net – Khi tham gia vào thị trường ngoại hối (Forex), bất kỳ một nhà giao dịch nào cũng không thể thiếu kỹ năng quản lý vốn. Đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng bên cạnh kỹ năng phân tích, nó giúp nhà giao dịch quản lý được lợi nhuận của mình và hạn chế rủi ro đến mức có thể. Và một trong số những phương pháp quản lý vốn vô cùng phổ biến chính là quy tắc 2% – giúp quản trị rủi ro hiệu quả và được nhiều nhà giao dịch tin dùng. Bài viết hôm nay sẽ giúp các nhà giao dịch hiểu rõ về quy tắc 2% này, cũng như các bước sử dụng quy tắc quản lý vốn 2%.
Định nghĩa về quy tắc 2% trong giao dịch Forex
Quy tắc 2% là một chiến lược đầu tư Forex, trong đó nhà giao dịch không mạo hiểm quá 2% số vốn của họ cho bất kỳ một giao dịch nào. Để thực hiện được quy tắc 2%, bước đầu mỗi nhà giao dịch cần làm đó là tính toán được chính xác 2% vốn khả dụng của mình là bao nhiêu, số tiền này còn được gọi là vốn rủi ro. Vốn rủi ro sau đó được tính toán theo mức Stop Loss, thông qua đó mà xác định được khối lượng vào lệnh là bao nhiêu.
Trên thực tế, các chi phí như spread, hoa hồng hay phí qua đêm cũng cần được nhà giao dịch xem xét. Các khoản phí này có thể khiến cho rủi ro phải chịu sẽ lớn hơn mức 2% một cách đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược quản lý vốn của nhà giao dịch.
Tại sao là con số quy tắc 2% trong giao dịch Forex?
Đối với quy tắc quản lý vốn 2%, phải có tiền trong tài khoản thì mới kiếm được lợi nhuận. Tuy nhiên, để có tiền trong tài khoản không phải là việc liên tục thua lỗ và nạp thêm tiền vào tài khoản mà là giữ cho tài khoản luôn được duy trì ở mức rủi ro thấp.
Giả sử trader không may mắn và thua liên tiếp 10 lệnh giao dịch, số tiền thua lỗ của 10 lệnh đó khi sử dụng quy tắc quản lý vốn 2% là 20% thì trader vẫn còn đến 80% số dư để tiếp tục giao dịch, đây là một tỷ lệ giúp trader không cảm thấy quá áp lực khi liên tục thua lỗ.
Nhưng nếu thử với một con số cao hơn, 3% và thua 10 lệnh liên tiếp, mất 30%, tỷ lệ này sẽ khiến nhiều nhà giao dịch nghĩ rằng mình đã thua gần 1/3 tài khoản, áp lực này sẽ đè nặng tâm lý giao dịch. Đối với các trader lướt sóng hay day trader, 10 lệnh trong một ngày là điều rất bình thường và nếu như ngày đó 10 lệnh đều thất bại, thì con số 30%/tài khoản bị thua lỗ sẽ rất nghiêm trọng và không phải là một con số nhỏ. Chính vì thế, rất nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp, các scalper hay day trader thậm chí còn không bao giờ để thua lỗ trên 1%.
Phương thức hoạt động của quy tắc 2% trong giao dịch Forex
Tham khảo:
- Chi tiết cách sử dụng ForexFactory trong giao dịch Forex
- Gap là gì? Cách Play the Gap như nhà đầu tư chuyên nghiệp
Quy tắc 2% là mức giới hạn rủi ro mà các nhà giao dịch Forex áp đặt cho mỗi lệnh giao dịch của mình. Ví dụ một trader giao dịch trên tài khoản 50.000$. Khi áp dụng quy tắc 2% có nghĩa là trader này chấp nhận rủi ro tối đa 1.000$ cho bất cứ lệnh giao dịch nào.
Sau đó giả sử nhà giao dịch thực hiện một lệnh giao dịch có mức Stop Loss 100 pips, vậy có nghĩa là 100 pips đó sẽ tương ứng với 1000$, tương đương giá trị của mỗi pip là 10$. Từ đó, trader có thể tính toán ra được rằng mình cần thực hiện một lệnh giao dịch với số lot tối đa là bao nhiêu để đảm bảo rủi ro không vượt quá 2%.
Với phương pháp quản lý vốn này, dễ thấy rằng cho dù có thua tới 10 lệnh giao dịch Forex liên tiếp thì số vốn ban đầu chỉ mất đi 20%. Và trên thực tế 10 lệnh thua liên tiếp là điều hiếm khi xảy ra đối với bất cứ một nhà giao dịch chuyên nghiệp nào, cũng như việc thua lỗ tới 50 lệnh liên tiếp để mất đi toàn bộ tài khoản thì là điều khó xảy ra ngay cả với các nhà giao dịch mới. Qua đó có thể đánh giá đây là một phương pháp quản lý vốn an toàn.
Để sử dụng quy tắc 2% một cách hiệu quả nhất, nhà giao dịch có thể kết hợp cùng với các chiến lược quản lý rủi ro khác, bao gồm cả những quy tắc tự đặt ra phù hợp với số vốn hiện có. Mức 2% cũng không nhất định phải được sử dụng, trader có thể lựa chọn một mức tỷ lệ phù hợp khiến cho mình cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, con số này không nên vượt quá 3%.
Các bước áp dụng quy tắc 2% trong giao dịch Forex
Bước 1: Tính số tiền rủi ro tối đa cho mỗi giao dịch
Số tiền rủi ro tối đa mỗi lệnh = Balance x 2%
Bước 2: Tính khoảng cách Stop Loss (pip)
Xác định điểm vào lệnh trong Forex, Stop Loss và Take Profit. Tính khoảng cách điểm Stop Loss đến điểm vào lệnh là bao nhiêu pip.
Bước 3: Tính giá trị pip cặp tiền đang giao dịch
- Với những cặp tiền có USD đứng sau (XXX/USD): Giá trị pip là 10$.
- Với những cặp tiền không có USD đứng sau (XXX/YYY): Giá trị pip bằng 10$ nhân tỷ giá YYY/USD, trong đó tỷ giá YYY/USD là tỷ giá tại thời điểm tính giá trị pip.
Ví dụ: Với tỷ giá AUD/USD hiện tại là 0.7000 thì giá trị pip của tất cả các cặp có AUD đứng sau (XXX/AUD) là 10 x 0.7000 = 7$
Bước 4: Tính khối lượng giao dịch
Dựa vào công thức: Lợi nhuận/thua lỗ = số pip x số lot x giá trị pip
Từ đó suy ra: Khối lượng giao dịch (lot) = Lợi nhuận / số pip / giá trị pip
Bước 5: Vào lệnh
Vào lệnh theo khối lượng và điểm vào như đã tính toán.
Ví dụ về các bước áp dụng quy tắc 2%: Tài khoản của nhà giao dịch là: 1000$
Bước 1: Tính số tiền rủi ro tối đa mỗi lệnh
Số tiền rủi ro tối đa mỗi lệnh = 1000$ x 2% = 20$
Bước 2: Tính khoảng cách Stop loss
Giả sử nhà giao dịch muốn mua EUR/USD tại 1.2040, Stop Loss tại 1.2000, Take Profit là 1.2120 (Risk Reward 1:2). => Stop Loss = 40 pip
Bước 3: Tính giá trị pip
Giá trị pip của EUR/USD là 10$/lot.
Bước 4: Tính khối lượng giao dịch
Khối lượng giao dịch = 20$ / 40 pip / 10$ = 0.05 lot
Bước 5: Vào lệnh
Vào lệnh Buy 0.05 lot EUR/USD tại 1.2040, đặt Stop Loss tại 1.2000, Take Profit tại 1.2120. Như vậy nhà giao dịch sẽ mất đúng 2% tài khoản nếu giá chạm Stop Loss và lãi 4% tài khoản nếu chạm Take Profit.
Lưu ý khi áp dụng quy tắc quản lý vốn 2% trong giao dịch Forex
- Sai số
Trên thực tế các nhà giao dịch Forex không thể quản lý chính xác hoàn toàn con số 2% vì có các yếu tố không kiểm soát được như: phí commission, phí swap, trượt giá, giá trị pip thay đổi… Tuy vậy sai số là không quá đáng kể và việc áp dụng quy tắc này vẫn sẽ rất hiệu quả trong giao dịch Forex.
- Khoảng cách Stop Loss không còn quan trọng
Đúng như vậy, khi áp dụng quy tắc quản lý vốn 2%, khoảng cách Stop Loss bao nhiêu pip không còn quan trọng vì cứ chạm Stop Loss là nhà giao dịch (chỉ) mất 2% tài khoản.
Điều khác biệt là khối lượng giao dịch, tùy thuộc vào cặp tiền tệ (ảnh hưởng đến giá trị pip) và khung thời gian (ảnh hưởng khoảng cách Stop Loss).
- Biến thể quy tắc 2%
Cách 1: Cố định mỗi lệnh thua lỗ 20$ với tài khoản 1000$. Đây là cách đã nói ở trên.
Cách 2: Cố định mỗi lệnh thua lỗ là 2% với tài khoản hiện tại.
Ví dụ nếu tài khoản của nhà gia dịch là 1000$, lệnh đầu tiên thua 2% = 20$ => tài khoản sẽ còn lại 980$. Nếu sử dụng cách 2 thì lệnh tiếp theo nhà giao dịch sẽ giới hạn thua lỗ là 2% x 980$ = 19.6$.
Tham khảo thêm:
- Scale in và scale out là gì? Cách tối đa hóa và giảm thiểu rủi ro với kỹ thuật này
- Swing high và Swing low là gì?
Kết luận
Nhìn chung, quy tắc 2% là một trong những phương pháp quản lý vốn hiệu quả đối với các nhà giao dịch Forex. Đây là một quy tắc phổ biến được nhiều trader tin tưởng và sử dụng nên không có lý do gì để các nhà giao dịch mới tham gia vao thị trường hoài nghi. Mặc dù quy tắc này rất dễ áp dụng nhưng để duy trì tính kỷ luật thì không phải ai cũng làm được, nếu không có những tính toán hợp lý, rất có thể nhà giao dịch sẽ rơi vào tình trạng “cháy tài khoản” chỉ sau vài lệnh giao dịch đầu tiên. Chính vì thế, hãy thử áp dụng chiến lược quản lý vốn này để đạt được lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho tài khoản của mình. Chúc bạn thành công.